Hơn
100 quả trứng, đường kính từ 13-18 cm, nằm trong ổ cát rộng khoảng 120
cm, được tìm thấy tại ngôi làng thuộc bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ.
Khám phá này có thẻ giúp giải đáp bí ẩn về sự tuyệt chủng của khủng
long.
Trứng khủng long hóa thạch. Ảnh: BBC.
M. Ramkumar, nhà địa chất học của Đại
học Periyar, dẫn đầu đội tìm kiếm, chia sẻ: "Chúng tôi tìm thấy những
quả trứng hình cầu và những phần cơ thể khủng long, mỗi ổ gồm 8 quả".
Các nhà khoa học tin rằng, đây là trứng của loài khủng long ăn lá cây
có thân hình đồ sộ nhưng hiền lành, mang tên Sauropod.
Hình ảnh minh họa trứng khủng long. Ảnh: Daily Mail.
Ổ trứng nằm dưới lớp nham thạch núi lửa
trên cao nguyên Deccan. Đây có thể chính là nguyên nhân khiến đàn khủng
long tuyệt chủng. Anbarasu, thành viên của đội tìm kiếm, tiết lộ trên
tạp chí The Hindu: "Những quả trứng không nở nằm ở nhiều tầng địa chất
khác nhau chỉ ra rằng, khủng long đã đến đây nhiều lần để nằm ổ". Trứng
khủng long được tìm thấy lần đầu vào năm 1859 tại Pháp. Sau đó, hàng
nghìn quả trứng khác được khám phá tại 200 điểm trên khắp thế giới, hầu
hết là tại châu Á.