Sinh viên đi học xa nhà thường
gặp rất nhiều khó khăn khi tìm chỗ trọ. Chưa tìm được, lo. Tìm được rồi, chưa
chắc đã yên. Bởi những vấn nạn như: trộm cắp, mất vệ sinh, ồn ào, giá phòng trọ
leo thang... là những nỗi khổ thường gặp phải tại những khu nhà trọ dành cho
sinh viên.
Trốn
nhà, vào thư viện học cho sáng Xóm trọ của Tùng, sinh viên năm
thứ hai Đại học Công nghiệp Hà Nội ở khu vực Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Cả
xóm có trên dưới 20 phòng, do ở gần một cống thoát nước của khu dân cư gần đó
nên nắng cũng như mưa, đường vào lúc nào nước cũng chảy lênh láng.
Mỗi phòng trọ ở đây rộng chưa đầy
6m2 lại được xây theo kiểu hai dãy đối mặt vào nhau, ở giữa là một
hành lang rất nhỏ cộng với việc thường xuyên bị tận dụng làm chỗ phơi đồ nên
trông lúc nào cũng ẩm thấp. Tùng cho biết: "Do không có chút ánh sáng nào lọt
được vào phòng nên ngày cũng như đêm, lúc nào cũng phải bật điện cho sáng".
Mỗi ngày, ngoài một buổi lên lớp
còn phòng trọ chỉ là nơi Tùng về đó để ăn và ngủ, thời gian còn lại cậu thường
hay lang thang đến nhà bạn bè chơi hoặc vào thư viện học bài cho... mát và sạch
sẽ (!).
Cùng chịu cảnh "sống trong bóng
tối" như Tùng nhưng khu xóm trọ của Phương (Đại học Kinh tế Quốc dân) ở Trại Cá
- Hoàng Mai còn tệ hơn nhiều. Khu vệ sinh và nhà tắm được "thiết kế" ngay lối đi
lại nên lúc nào cũng ướt át. Chưa hết, do phòng trọ nằm thấp hơn mặt đường cộng
với việc cống thoát nước thường xuyên bị tắc nên mỗi khi mưa to, nước không
thoát được lại tràn vào lênh láng...
|
Những dãy nhà trọ dành cho sinh viên như thế này không phải là hiếm |
Nhưng "hãi" nhất đối với Phương
không phải là chuyện nước chảy vào phòng mỗi khi trời mưa to, mà chính là việc
phải dùng chung nhà vệ sinh. Cả khu phòng trọ có gần hai chục phòng nhưng chỉ có
một nhà vệ sinh chung. Người thì đông nên nhà vệ sinh luôn trong tình trạng "quá
tải", phải "chờ đợi" nhau...
"Nhiều lúc thấy bất tiện quá
nên bọn mình có đề xuất với chủ nhà trọ cho xây thêm một cái nhà vệ sinh nữa
nhưng chỉ nhận được cái lừ mắt: "Nhà trọ chỉ có thế thôi, ở được thì ở, không ở
được thì đi tìm chỗ khác mà trọ". Mình cũng đã định chuyển đi mấy lần rồi nhưng
bây giờ đang là thời điểm khan hiếm phòng trọ vì thế rất khó tìm được chỗ mới
nên đành chịu..."- Phương than thở...
Học
cách sống chung với bất tiện
Phòng trọ không tốt là một chuyện
nhưng một "vấn nạn" nữa thường phát sinh ở các dãy nhà trọ dành cho sinh viên là
nạn "đạo chích" hoành hành. Bức xúc về vấn nạn này, Đức - sinh viên Đại học Văn
hóa, kể: "Hôm đó đi học về, mình vừa để chiếc ví và cái điện thoại di động trên
bàn rồi ra bể múc chậu nước vào rửa mặt, lúc vào đến nơi thì cả ví, cả điện
thoại đã "bốc hơi"!!! Đứa bạn mình vừa mua bộ quần áo mới chưa kịp mặc treo ở
trên mắc trước cửa phòng, vậy mà ngoảnh đi ngoảnh lại, áo cũng đã "bay" mất...".
Xóm trọ của Đức nằm ngay gần
đường đi, lại không có cổng để khóa nên chuyện mất trộm mất cắp ở đây thường
xuyên xảy ra. Hường (sinh viên Đại học Thủy Lợi), cùng dãy trọ với Đức cho biết
thêm: Đã nhiều lần mọi người đề nghị chủ nhà lắp một cánh cổng để có thể khóa
lại cho an toàn nhưng toàn nhận được những lời "hứa suông", mãi mà chẳng thấy
thực hiện.
Tình trạng nhiều chủ nhà trọ lợi
dụng lúc khan hiếm phòng để ép giá đối với sinh viên cũng không còn là chuyện
lạ. Cường (quê Quảng Nam) do nhà ở xa nên lên Hà Nội nhập học muộn, sau khi làm
thủ tục nhập học tại Đại học Công nghiệp xong, hai bố con bở hơi đi tìm phòng
trọ mãi mà không được.
Đi đến đâu cũng nhận được cái lắc
đầu: "Hết phòng". Sau đó, do có người mách nước, hai bố con lóc cóc tìm xuống
tận Nhổn (Từ Liêm) mới tìm được phòng trọ. Nhưng ở đây không phải là xóm trọ
dành cho sinh viên mà toàn là người lao động tự do.
"Phòng thì bé như cái lỗ mũi
nhưng do biết mình không còn chỗ nào nên chủ nhà hét giá "cắt cổ" 500 nghìn đồng
một tháng cùng với yêu cầu phải đặt trước 3 tháng thì mới cho trọ. Tiếc đứt ruột
nhưng không còn cách nào khác nên mình đành bấm bụng", Cường thổ lộ.
Tìm được phòng rồi nhưng Cường
lại phải chịu thêm một nỗi khổ nữa, vì đây là khu trọ dành cho lao động tự do
nên có đủ các thành phần đến đây thuê trọ, chính vì thế nên sự chênh lệch về giờ
giấc sinh hoạt rất khác biệt, tình trạng mất trộm mất cắp rồi sinh ra cãi lộn...
Cường tâm sự: "Lắm hôm đi học
về mệt, mình chỉ muốn nằm ngủ một lúc cho đỡ mệt mà cũng không được do xóm trọ
ồn ào như cái chợ. Những lúc mình học bài thì họ lại mở nhạc, bật loa oang oang
khiến mình không thể tập trung học được. Góp ý thì họ bảo là việc mình mình làm,
việc họ họ làm, không can dự gì đến nhau nên đừng chõ mồm vào việc của họ".
Thực tế cho thấy, ngoài giờ học
trên giảng đường, khi trở về nhà trọ nhiều sinh viên lại phải đối mặt với biết
bao nhiêu chuyện bất tiện từ xóm trọ của mình. Nhưng để được học tập, tất cả đều
phải chấp nhận vì họ không có cách nào khác hơn là phải "sống chung" với những
bất tiện đó.
|