Ông Đặng
Ngọc Tĩnh - Trưởng Phòng Dự báo thủy văn Bắc bộ thuộc Trung tâm Dự báo
khí tượng thủy văn trung ương cho biết, sáng nay 4/12, mực nước sông
Hồng tại Hà Nội chỉ còn 1,36m. Trong năm nay, sông Hồng đã 5 lần xuống
thấp kỷ lục, đó là vào các tháng 3, 8, 10, 11 và 12. Đặc biệt tháng 11,
mực nước sông đã xuống mức 0,76m (7h ngày 8/11), mức thấp trong vòng
107 năm qua.
Theo ông Tĩnh, nguyên nhân khiến sông Hồng luôn trong tình trạng
trơ đáy trong thời gian qua là do năm nay mùa mưa lũ ở Bắc Bộ đến muộn
lại kết thúc rất sớm, tháng mưa ngâu năm nay cũng thiếu vắng hoàn toàn.
Trong khi ở thượng nguồn các các nhà máy thủy điện ở Trung Quốc và Việt
Nam hiện đang trong gia đoạn tích nước.
Người dân lội bộ qua sông Hồng đoạn Tứ Liên - Tây Hồ. (Ảnh: V.Hưng)
Dù vậy, theo báo cáo mới nhất, hiện các hồ chứa phục vụ công trình
thuỷ điện ở Bắc Bộ vẫn đang trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
Các hồ lớn như Thác Bà, Tuyên Quang mới đạt mức chứa 61% so với thiết
kế. Hệ thống hồ vừa và nhỏ cũng chỉ đạt cao nhất 80% so với mức nước
đạt yêu cầu. Với lượng nước tích trữ hạn chế như hiện nay thì toàn miền
Bắc sẽ có nguy cơ thiếu điện trầm trọng.
Bãi cát nổi giữa cầu Long Biên và Chương Dương. (Ảnh: V. Hưng)
Cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT cho biết, nhiều địa phương đã không
thể hoàn thành kế hoạch tích nước, phục vụ tưới tiêu cho vụ Đông xuân.
Hiện chỉ có 2/17 hồ chứa lớn ở miền Bắc tích đủ nước phục vụ cho nông
nghiệp. Toàn vùng Bắc Bộ đang đối mặt với tình trạng hạn hán kéo dài.
Những trụ chống lũ cho cầu Long Biên lộ trơ trên móng mực nước (Ảnh: V.Hưng)
Giao thông đường thuỷ cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi mực nước không đảm bảo cao tối thiểu 2,1m để tàu bè đi lại.
Ông Tĩnh cho hay, khoảng tháng 2 năm tới tình trạng hạn hán sẽ bớt
gay gắt do Bắc Bộ đi qua mùa khô, độ ẩm sẽ tăng cao, mưa cũng bắt đầu
xuất hiện trở lại.